Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Hồ Chí Minh: Tìm phương án giải quyết thỏa đáng cho dân

07 Tháng 05, 2019

Câu chuyện về những quyết định thay đổi quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) đang trở thành vấn đề nóng được người dân quan tâm, đặc biệt là liên quan đến bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 bị thất lạc nay vẫn chưa tìm thấy.

Và cũng chính việc thất lạc bản đồ này mà suốt nhiều năm qua những vụ khiếu nại, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vậy vấn đề đặt ra hiện nay là phải tìm ra phương án giải quyết sao cho vừa đảm bảo những quyền lợi của người dân trong dự án, đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến sự hình thành phát triển của khu đô thị mới.

Quyết định của UBND TPHCM có thay thế được quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Thông tin bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm (KĐT) bị thất lạc được cho là khá kỳ lạ, bởi bản đồ và Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4.6.1996 là văn bản pháp lý để quy hoạch siêu dự án của thành phố (giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời). Thật sự, việc mất bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm không phải mới mà đã xảy ra nhiều năm nay. Việc này TPHCM biết, các bộ, ngành liên quan biết, Chính phủ đã biết và nhiều lần có chỉ đạo bằng văn bản. Thế nhưng, những đơn vị liên quan không tập trung giải quyết để sự việc kéo dài, khiến dân tình bức xúc.

Tài liệu Báo Lao Động thu thập được, Tờ trình 1861/TT-UB-QLĐT của UBND TPHCM ngày 27.5.1996 trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5.000, KĐT Thủ Thiêm được xác định trong mặt bằng tổng thể là khu vực để phát triển và xây dựng một khu đô thị mới hiện đại, trung tâm giao dịch thương mại, tài chính, dịch vụ văn hóa du lịch, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế. Về quy mô, KĐT Thủ Thiêm có diện tích 770ha, dân số khoảng 200.000 người. Khi chuyển đất tái định cư (giáp danh phạm vi lập quy hoạch) có diện tích 160ha, dân số 45.000 người.

Căn cứ trên tờ trình này, Thủ tướng Chính phủ khi đó đã có quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996, với các nội dung chính phê duyệt: Quy mô lập diện tích quy hoạch là 930ha, trong đó khu đô thị mới 770ha và quy mô tái định cư là 160ha. Thời điểm này, Thủ Thiêm vẫn thuộc H.Thủ Đức, chưa thuộc Q.2 như hiện nay.

Sau Nghị định 03 của Chính phủ về việc thành lập Q.Thủ Đức, Q.2, Q.7, Q.9 và thành lập các phường thuộc các quận mới, cùng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2020 thì đến năm 2002, Thủ tướng có Công văn hỏa tốc số 190 cho phép UBND TPHCM thực hiện việc thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công văn nói rõ: “Cho phép UBND TPHCM căn cứ vào Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thu hồi 930ha đất (bao gồm 770ha đất để xây dựng KĐT mới và 160ha để xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường: An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm, thuộc địa bàn Q.2, để giao đất cho BQL Đầu tư – Xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm…”.

Tuy nhiên, sau đó đến năm 2005, khu đô thị Thủ Thiêm lại được điều chỉnh theo Quyết định số 6565/QĐ-UBND của UBND TPHCM ngày 27.12.2005. Tại Quyết định số 6565 lúc đó do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua ký, đã duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000 với các nội dung chính: Có diện tích quy mô khu trung tâm là 737ha, trong đó khu đô thị phát triển mới là 657ha, khu đô thị chỉnh trang là 80ha.

Điều đáng nói là, điều 2 của Quyết định số 6565/QĐ-UBND của UBND TPHCM ngày 27.12.2005 này nêu rõ “Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ”. Được biết, Quyết định 6565 của UBND TPHCM thời điểm đó được ban hành căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1642 ngày 24.11.2003, lúc đó do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, trong đó có nội dung cho thành phố được phép điều chỉnh quy hoạch chung tỉ lệ 1/5000 khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Và cũng từ đây trở đi, việc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm chủ yếu đều dựa vào những quyết định điều chỉnh do UBND TPHCM ban hành, và gần như ít có văn bản nào căn cứ trên Quyết định 367 của Thủ tướng nữa.

Năm 2016, Bộ Xây dựng sau khi không tìm thấy bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 Dự án KĐT mới Thủ Thiêm đã cho rằng, về mặt pháp lý thì quy mô diện tích của khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ căn cứ theo các văn bản của cấp có thẩm quyền từ thời điểm Quyết định 6565 có hiệu lực.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, muốn thay thế quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ phải có quyết định tương đương của Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp thẩm quyền cao hơn. Và về mặt thể thức văn bản thì ngay cả ý kiến chỉ đạo cũng không thay thế được quyết định. Vậy thì liệu Quyết định 6565 của UBND TP có giá trị thay thế hoàn toàn được quyết định 367/TTg(?).

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) nhìn từ phía Q.1.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) nhìn từ phía Q.1.

Có nên lập lại quy hoạch KĐT Thủ Thiêm?

Hiện nay, toàn bộ diện tích đất thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được giải phóng mặt bằng hơn 99% diện tích. Hiện còn một số hộ dân khiếu nại đến UBND TP, cho rằng nhà đất của họ không thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cơ sở khiến nhiều người dân khiếu nại lâu nay là dựa trên bản đồ quy hoạch 1/5.000 kèm quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi theo người dân, quyết định 367 của Thủ tướng và bản đồ này là cơ sở pháp lý cao nhất và thể hiện phần nhà đất của họ nằm ngoài khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm, do vậy việc chính quyền TPHCM thu hồi đất của dân là không có cơ sở pháp lý.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, từ phản ánh người dân, cần phải làm rõ việc phê duyệt quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm thuộc thẩm quyền của TPHCM hay Chính phủ. Nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì tất cả văn bản quy hoạch được TP điều chỉnh phải báo cáo Chính phủ. Để làm được điều này, các bộ ngành cần rà soát lại cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục của việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 6565 năm 2005 của UBND TPHCM.

Nếu quy hoạch 6565 của TP lập không đúng quy định của pháp luật cần phải có quyết định hủy bỏ quyết định này, sau đó lập mới quy hoạch KĐT Thủ Thiêm. Bản quy hoạch mới cần tôn trọng ý kiến người dân, phù hợp với điều kiện thực tế và được Chính phủ chấp thuận. Nghĩa là, những diện tích đất không có tranh chấp, khiếu nại, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và đã có nhà đầu tư triển khai dự án thì không thay đổi so với quy hoạch 6565 của TPHCM.

Còn những khu vực người dân đang khiếu kiện, có tranh chấp hoặc sai lệch lớn so với quy hoạch 367 của Chính phủ thì cần đưa ra khỏi quy hoạch và giải quyết hậu quả đối với từng trường hợp. Khi đó, với diện tích đất mà thành phố đã thu hồi nhưng chưa giao cho chủ đầu tư thì trả lại cho người dân. Hoặc có phương án bồi thường hợp lý, như việc áp giá đất phải đúng với giá trị thời điểm thu hồi, đảm bảo không để người dân thiệt thòi.

Như vậy, việc lập, phê duyệt quy hoạch khác thay thế cho các quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm trước đây là việc cần làm để giải quyết triệt để những bức xúc, khiếu kiện của người dân, liên quan đến quyền lợi của họ trong quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm.

Cùng chuyên mục

Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ

Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ

2.600ha đất sạch được Đồng Nai bàn giao khởi công xây dựng Sân bay Long Thành

2.600ha đất sạch được Đồng Nai bàn giao khởi công xây dựng Sân bay Long Thành

Đoàn tàu metro Bến Thành- Suối Tiên chính thức rời Nhật về TP.HCM  01/10/2020

Đoàn tàu metro Bến Thành- Suối Tiên chính thức rời Nhật về TP.HCM 01/10/2020