Chuyện gì xảy ra với bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm?

07 Tháng 05, 2019

TP HCM nói “thất lạc” tấm bản đồ, Sở Quy hoạch cho rằng chưa từng thấy, còn Bộ Xây dựng khẳng định tồn tại nhiều bản đồ về Thủ Thiêm…

Thông tin bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm (ĐTTT) bị thất lạc vừa được TP HCM chính thức lên tiếng. Đây là việc được cho là khá kỳ lạ, bởi bản đồ và Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4/6/1996 là văn bản pháp lý để quy hoạch siêu dự án của thành phố (giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời).

Tấm bản đồ này cũng là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua. Họ cho rằng đất của mình không nằm trong khu vực quy hoạch nhưng lại bị giải tỏa. Người dân đòi chính quyền TP HCM phải đưa ra bản đồ 1/5.000 Khu ĐTTT để xác định nhưng không được đáp ứng.


Nói trong cuộc họp báo về kinh tế – xã hội TP HCM hôm 2/5, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan khẳng định, bản đồ “chưa tìm thấy trong hồ sơ lưu chứ không phải không có”, các bộ ngành cũng đang cố gắng tìm.Bản đồ 1/5.000 Khu ĐTTT có hay không tồn tại?

“Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, mới được phê duyệt… Thành phố đang chỉ đạo phải truy bằng được, nghe nói cũng đã tìm thấy được bản photo, bản sao chứ không phải bản gốc, bản màu. Như vậy không phải là không có”, ông Hoan nói.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành rà soát từng nguồn, các đơn vị tư vấn trước đây nhưng không thấy bản đồ 1/5.000.

Sở là nơi quản lý dữ liệu quy hoạch của thành phố, nhưng từ đó đến nay chưa từng thấy tấm bản đồ này. Thành phố cũng đã liên hệ tất cả các đơn vị liên quan từ Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III tại TP HCM, Chi cục Lưu trữ thành phố, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng… nhưng các cơ quan này trả lời “không lưu trữ”, hoặc “Văn bản phát hành (Quyết định 367) đang lưu trữ tại Kho lưu trữ Văn phòng Chính phủ không có bản đồ kèm theo”. Hiện, thành phố đã báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến.

Không có bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm

Không đồng ý quan điểm của TP HCM, ông Nguyễn Hồng Điệp (Vụ trưởng, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương – Thanh tra Chính phủ) nói rằng, nếu “thất lạc” bản đồ 1/5.000 ở thành phố thì tại các cơ quan, đơn vị liên quan phải còn, “làm gì có việc thất lạc mãi mà không tìm thấy”.

Vì vậy, theo ông Điệp, TP HCM nên trả lời thẳng thắn với người dân khiếu kiện là “không có bản đồ gốc” và giải quyết thoả đáng lợi ích, quyền lợi của họ.

Về nguyên tắc, khi trình dự án để thu hồi, giải phóng mặt bằng… phải có bản đồ gốc để có căn cứ để triển khai. Nhưng ở dự án này TP HCM đã nhiều năm không trả lời được cho người dân là có bản đồ quy hoạch gốc hay không, dẫn đến sự hoài nghi và khiếu kiện vượt cấp của cả trăm hộ dân ở dự án.

Bản đồ 1/5.000 bị thất lạc không còn giá trị pháp lý

Thứ trưởng Bộ xây dựng nói về bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ thiêm

Lùm xùm về tấm bản đồ tiếp tục “nóng” tại buổi họp báo của Chính phủ chiều 4/5. Trả lời câu hỏi của VnExpressThứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Khu ĐTTT được quy hoạch chung lần đầu tiên năm 1996, sau đó điều chỉnh quy hoạch năm 2005 (có bản đồ quy hoạch 1/5.000).

Về quy trình, việc quy hoạch triển khai theo hai bước là quy hoạch chung (bản đồ 1/5.000) và quy hoạch chi tiết (1/2.000). “Như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ”, ông Hùng nói và cho biết hiện quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng,… của khu đô thị Thủ Thiêm đều thực hiện trên quy hoạch chung được phê duyệt năm 2005.

Tất cả bản đồ có căn cứ pháp lý từ 2005, như bản đồ quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới hiện giữ đầy đủ, việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này.

“Còn bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005”, ông Hùng nói. “Việc thất lạc tài liệu gây ảnh hưởng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai, liên quan đến triển khai chi tiết của quy hoạch trước ra sao, tất cả sẽ được cơ quan chức năng xem xét làm rõ”.

Cùng chuyên mục

Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ

Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ

2.600ha đất sạch được Đồng Nai bàn giao khởi công xây dựng Sân bay Long Thành

2.600ha đất sạch được Đồng Nai bàn giao khởi công xây dựng Sân bay Long Thành

Đoàn tàu metro Bến Thành- Suối Tiên chính thức rời Nhật về TP.HCM  01/10/2020

Đoàn tàu metro Bến Thành- Suối Tiên chính thức rời Nhật về TP.HCM 01/10/2020